Trên cơ sở Chiến lược phát triển Trường Đai học sư phạm Kỹ thuật Vinh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó có giải pháp phát triển hoạt động HTQT số 297/QĐ-ĐHSPKTV ký ngày 09/7/2015, Phòng KH-HTQT xây dựng bản kế hoạch chiến lược hoạt động Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (HTQT) của Trường để làm cơ sở cho các hoạt động lên kế hoạch hoạt động hằng năm của Phòng.

 A.      KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

1.   Đánh giá thực trạng hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2010-2014

Trong giai đoạn 2010-2014, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh được Bộ chủ quản tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; sự hợp tác với các cơ quan khoa học – công nghệ của tỉnh Nghệ An bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hoạt động khoa học đã đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo của Nhà trường. Một số kết quả nghiên cứu đã ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu về nhiệm vụ NCKH của một trường đại học, các kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục trong giai đoạn tiếp theo. Nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2010 – 2014, qua đó xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta sẽ tập trung phân tích, đánh giá các nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp như nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nguồn tài lực và nguồn thông tin phục vụ NCKH.

1.1. Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực của nhà trường bao gồm cán bộ, giảng viên, viên chức. Trong giai đoạn 2010-2014, nguồn nhân lực của Nhà trường đã được nâng lên đang kể cả về chất lượng và số lượng. Nhiều cán bộ giảng viên được gửi đến các nước phát triển để bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ.

Bảng 1: Tổng hợp số lượng CBGV theo từng năm của Nhà trường tính đến tháng 12/2014

TT

Năm

Tổng số

Trình độ chuyên môn

TS

ThS

ĐH

Khác

1

2010

286

6

136

111

33

2

2011

299

7

131

129

32

3

2012

305

15

155

106

29

4

2013

324

19

181

94

30

5

2014

322

20

190

90

22

 

Bảng 2: Phân tích cơ cấu độ tuổi và giới tính của CBGV tính đến tháng 4/2015

TT

Phân tích cơ cấu

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1

Tổng số cán bộ, giảng viên

320

100

2

Tổng số cán bộ quản lý

229

71,6

3

Tổng số nam

196

61,3

4

Tổng số nữ

124

38,7

5

Tuổi từ 55 trở lên

24

7.5

6

Tuổi từ 51 - 55

22

6.9

7

Tuổi từ 41 - 50

41

12.8

8

Tuổi từ 31 - 40

175

54.7

9

Tuổi dưới 30

58

18.1

 

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có đội ngũ cán bộ giảng viên lớn (322 người). Trình độ chuyên môn của CBGV vừa là yếu tố phản ánh khả năng trí tuệ vừa là điều kiện, động lực phát triển giáo dục và đào tạo, nhằm đạt mục tiêu đề ra, đồng thời là yếu tố quyết định sứ mạng của nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Tỷ lệ CBGV có trình độ tiến sĩ có 20 người (6.21%), thạc sĩ có 190 người (59%), đại học có 90 người (28%) và 25 người đang NCS. Qua đây cho thấy, tỷ lệ còn thấp so với mức bình quân các trường đại học của cả nước cả nước, đặc biệt là tỷ lệ những người có trình độ tiến sỹ.

Về cơ cấu độ tuổi, lực lượng có độ tuổi dưới 40 chiếm 72,8%. Đây là một lợi thế rất lớn, bởi bộ giảng viên trẻ luôn có ý thức cao trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khát khao cống hiến cho sự nghiệp phát triển Nhà trường. Hiện nay, có đang nghiên cứu sinh, trong đó có nhiều người đang nghiên cứu ở nước ngoài.

1.2. Nguồn vật lực

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có tổng diện tích đất quy hoạch là 50ha; Tổng diện tích đất hiện đang sử dụng là 17,9 ha, trong đó: 7,9 ha đã xây dựng xong các công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật; 10,0 ha đã thực hiện xong công tác bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà trường đã đầu tư mạnh cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu với tổng kinh phí trên 136 tỷ đồng.

Nhận xét: Cơ sở vật chất hiện nay của nhà trường đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản cho hoạt động NCKH. CBGVcó thể có đủ điều kiện để tiến hành các nghiên cứu về lý thuyết, triển khai một số thí nghiệm. Tuy vậy, với yêu cầu ngày càng cao trong xu thế hiện đại hoá thì nguồn vật lực của Nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế.

1.3. Nguồn tài lực

Trong các năm qua, nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động khoa học công nghệ tăng lên đáng kể, đáp ứng nhu cầu tối thiểu về NCKH của cán bộ giảng viên và sinh viên. Công tác tài chính được quản lý chặt chẽ, tập trung thông qua Phòng Tài chính - Kế toán và được phân bổ từ đầu năm, giúp các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ của mình. Tuy nhiên, nguồn thu từ các kết quả hoạt động khoa học công nghệ còn rất hạn chế, vì vậy, chưa chủ động được nguồn tài chính trong nghiên cứu mà chủ yếu dựa vào ngân sách được cấp.

Bảng 3. Kinh phí thực hiện đề tài KHCN giai đoạn 2010 – 2014

 TT

Năm

Tổng kinh phí

Cấp Trường

Cấp Bộ

1

2010

50.000.000

0

50.000.000

2

2011

55.570.000

15.570.000

40.000.000

3

2012

166.000.000

166.000.000

0

4

2013

193.550.000

193.550.000

0

5

2014

479.530.000

339.530.000

270.000.000

Tổng

 

1.044.650.000

714.650.000

360.000.000

 

1.4. Nguồn tin lực

Nhà trường có Trung tâm thư viện với tổng diện tích khoảng 1500m2 để phục vụ công tác học tập, nghiên cứu của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Đến nay, thư viện nhà trường có 2020 tên sách và 69.678 bản sách; hơn 50 loại báo, tạp chí chuyên ngành; gần 200 tên luận án, luận văn thạc sĩ; 600 tên đồ án tốt nghiệp của sinh viên. Những tài liệu được lưu giữ tại thư viện chủ yếu là tài liệu thuộc các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Nhà trường đã đầu tư 01 phòng đọc điện tử và truy cập internet với thiết bị máy tính hiện đại kết nối với một số thư viện trường đại học trong Liên hiệp thư viện đại học để chia sẻ nguồn lực thông tin, phục vụ học tập và NCKH của giảng viên và học sinh Nhà trường.

Hiện nay, Nhà trường đang triển khai án hiện đại hóa hoạt động thông tin – thư viện trường, theo đó: về cơ sở vật chất: xây dựng mới nhà Thư viện và Công nghệ; phần mềm quản lý thư viện điện tử và thiết bị phụ trợ như thiết bị in mã vạch, đọc mã vạch; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin với máy chủ và các máy trạm; xây dựng kho tư liệu số. Bên cạnh đó, mạng internet wifi được phủ sóng toàn trường, tạo điều kiện tốt nhất cho làm việc và nghiên cứu.

Nhận xét: Nhà trường đã có đầu tư về xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo việc cung cấp, xử lý thông tin phục vụ hoạt động NCKH. Những thông tin chính thức, có tính chất pháp lý như về chủ trương, kế hoạch công tác, các quy chế, quy định đã thông suốt trong bộ máy quản lý của nhà trường. Công cụ, tài liệu phục vụ cho hoạt động NCKH cũng đã cải thiện đáng kể, từng bước hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số không nhỏ cán bộ viên chức chưa có thói quen làm việc theo dây chuyền công nghệ nên sử dụng thông tin trong quản lý chưa hiệu quả; chưa có phần mềm lưu trữ thông tin khoa học dẫn đến việc tra cứu dữ liệu còn khó khăn, vì vậy, các kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả thiết thực trong đào tạo và thực tiễn sản xuất.

2.   Một số kết quả hoạt động NCKH của cán bộ giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh

NCKH là một trong những nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên và đã được quy định trong trong quy chế hoạt động của Nhà trường. Trong thời gian qua, Lãnh đạo Nhà trường đã quan tâm, chỉ đạo, có chính sách động viên để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, số lượng đề tài NCKH các cấp trong những năm gần đây, đặc biệt là đề tài NCKH cấp cơ sở không ngừng tăng lên. Chất lượng các đề tài không ngừng nâng cao đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung trang thiết bị, giảm chi phí phục vụ đào tạo. Một số đề tài có khả năng thương mại hóa, đem lại nguồn thu. Bên cạnh đó, số lượng bài báo của cán bộ giảng viên được đăng trong các hội thảo khoa học, các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả hoạt động KHCN trong giai đoạn vừa qua được thể hiện trong các bảng 4 và 5.

Bảng 4: Tổng hợp kết quả thực hiện đề tài KHCN giai đoạn 2010-2014

Năm

Số lượng đề tài

cấp Trường

Số lượng đề tài

cấp Bộ

Số lượng đề tài cấp Tỉnh

2010

11

2

0

2011

6

2

1

2012

13

0

0

2013

10

0

0

2014

18

2

0

Tổng

58

6

1

 

Bảng 5: Số lượng các bài báo của CBGV

 

Năm

Số lượng bài báo đăng ở các tạp chí trong nước

 

Tổng

Đăng ở các tạp chí trong nước

Đăng ở các tạp chí nước ngoài

Đăng ở các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế

2010

5

17

3

25

2011

12

2

9

23

2012

10

7

11

28

2013

7

7

8

22

2014

9

4

12

25

 

Nhận xét: Qua các bảng số liệu cho thấy, nhìn chung số lượng các công trình khoa học công nghệ có tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, so với yêu cầu đối với một trường đại học thì số lượng các công trình còn thấp, đặc biệt đối với các đề tài cấp Bộ và cấp Tỉnh. Bên cạnh đó, số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế tương ứng với số đề tài phù hợp với định hướng nghiên cứu và phát triển của Nhà trường còn rất hạn chế; số lượng các công trình khoa học công nghệ có đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng vào thực tiễn còn ít, chưa đem lại nguồn thu cho Nhà trường; chưa triển khai được hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

Nguyên nhân của những hạn chế này có thể kể đến như:

a. Nguồn nhân lực

 - Thiếu các nhà khoa học đầu ngành, thiếu cán bộ trình độ cao có kinh nghiệm trong triển khai nghiên cứu. Điều này làm cho công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường gặp khó khăn trong phát triển, hạn chế khả năng đấu thầu các công trình nghiên cứu từ các Bộ, ngành khác, từ các tổ chức trong và ngoài nước.

- Năng lực, kỹ năng triển khai nghiên cứu còn hạn chế, lúng túng, thiếu bài bản dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ.

- Nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ giảng viên về NCKH còn chưa đúng. Nhiều cán bộ giảng viên chưa coi trọng  nhiệm vụ, vai trò nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, chỉ quan tâm đến giảng dạy.

b. Nguồn vật lực

- Hệ thống các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu chưa tách rời các phòng thực hành làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu;

- Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu chưa được đầu tư đồng bộ và đáp ứng sự phát triển của khoa học công nghệ.

- Hệ thống internet của Nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin; tài liệu phục vụ nghiên cứu còn thiếu, đặc biệt là các tạp chí khoa học có uy tín.

c. Các nguyên nhân khác

- Chế độ, chính sách hoạt động khoa học công nghệ chưa phù hợp, chưa khuyến khích được cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu.

- Công tác hợp tác khoa học công nghệ giữa Nhà trường và các ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là Sở KH-CN còn rất hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc nắm bắt thông tin về nhu cầu triển khai các đề tài khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương.

- Công tác thương mại hóa sản phẩm khoa học còn kém nên chưa đem lại nguồn thu từ kết quả nghiên cứu cho Nhà trường.

- Trường ĐHSPKT Vinh trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nên gặp phải một số khó khăn trong việc thực hiện các đề tài cấp Bộ. Cụ thể:

+ Bộ chủ quản: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ yếu giao các nhiệm vụ nghiên cứu về các lĩnh vực: lao động, thương binh, xã hội và một số nhiệm vụ về đào tạo nghề, không giao các nhiệm vụ nghiên cứu về các lĩnh vực kỹ thuật thuộc ngành nghề đào tạo của khối các trường đại học. Bên cạnh đó số lượng đề tài cho phép các trường triển khai cũng rất hạn chế.

+ Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hàng năm, Bộ Giáo dục & Đào tạo có dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho các trường đại học và giao các nhiệm vụ nghiên cứu về các lĩnh vực tương ứng với ngành nghề đào tạo của các trường trực thuộc Bộ. Trường ĐHSPKT Vinh đã đặt vấn đề trực tiếp tham gia đăng ký đề tài của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhưng không được vì không phải là trường trực thuộc Bộ.

3.   Chiến lược phát triển khoa học công nghệ

3.1. Mục tiêu tổng quát

Là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Bắc Trung Bộ, một số ngành đứng đầu cả nước và đạt tầm khu vực về lĩnh vực khoa học giáo dục nghề nghiệp.

3.2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020, lĩnh vực hoạt động KHCN đạt một số mục tiêu chính như:

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia NCKH.

- Hoạt động KHCN trở thành động lực, giúp xây dựng mô hình hoàn chỉnh kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu KHCN và chuyển giao công nghệ; giúp phát triển nhanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa kinh tế, xã hội; giúp phát triển và định hướng các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Đến năm 2020, bình quân mỗi cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ làm chủ nhiệm ít nhất một nhiệm vụ khoa học các cấp, công bố ít nhất một bài báo trên tạp chí khoa học trong nước; các sản phẩm đề tài NCKH bao gồm cả bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, phấn đấu mỗi năm toàn trường có ít nhất 4 bài trên tạp chí khoa học quốc tế. Hàng năm triển khai 15-20 đề tài các cấp, công bố 80-100 các bài báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo. Đến năm 2020, phấn đấu xuất bản 5 tập san khoa học, tổ chức 5 hội thảo cấp trường, tổ chức biên soạn 30-40 giáo trình nội bộ.

- Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một hoạt động chính để xây dựng và quảng bá thương hiệu của Nhà trường, giúp khẳng định vị thế số một trong lĩnh vực đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ sau đại học, đại học và cao đẳng; đào tạo nhân lực trình độ đại học và cao đẳng các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề,... của khu vực Bắc trung bộ và cả nước; phấn đấu mỗi năm có ít nhất 01 đề tài được chuyển giao ứng dụng vào thực tế sản xuất đem lại nguồn thu cho Nhà trường.

- Xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học mũi nhọn từng ngành và liên ngành để xây dựng kế hoạch chiến lược, phát triển các đề cương nghiên cứu, thực hiện đấu thầu các nhiệm vụ KHCN các cấp và đảm đương nhiệm vụ tư vấn khoa học chuyên ngành cho các đơn vị, cá nhân.

- Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong học viên, sinh viên sâu rộng ở tất cả các khoa đào tạo. Quản lý tốt hơn khâu tuyển chọn các đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp khoa. Tổ chức các Hội nghị Hội thảo chuyên đề nhằm trao đổi kinh nghiệm về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học trong trường Đại học. Phấn đấu để có công trình học viên cao học, sinh viên NCKH đạt giải và tham dự Hội nghị tuổi trẻ sáng tạo theo định kỳ của các khối.

- Mở rộng quy mô các Hội nghị, Hội thảo khoa học; các chủ đề Hội thảo tập trung vào việc giải quyết các vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển Nhà trường. Chỉ đạo các đơn vị đăng ký tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học theo hướng liên ngành, liên trường và các Hội nghị, Hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế.

- Tích cực và chủ động giới thiệu các thành tựu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin khoa học với các trường đại học và các viện nghiên cứu trong địa phương và cả nước, các cơ quan khoa học trong tỉnh, bám sát nhu cầu của địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ KHCN.

- Mở rộng hợp tác đối tác chiến lược liên quan đến các lĩnh vực đang đào tạo tại Nhà trường, phấn đấu mỗi năm phát triển thêm tối thiểu 2 đối tác, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 20 đối tác hợp tác trong NCKH.  

3.3. Giải pháp thực hiện

Nhóm giải pháp 1: Phát triển đội ngũ, đẩy mạnh phong trào NCKH; nâng cao chất lượng và hiệu quả KHCN.

a. Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn để nâng cao năng lực lập kế hoạch khoa học công nghệ và năng lực NCKH của cán bộ giảng viên nhằm phát triển nguồn nhân lực KHCN.

b. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mũi nhọn và liên ngành nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN; có khả năng đề xuất, chủ trì, đấu thầu và thực hiện các đề tài KHCN lớn phục vụ cho nhu cầu phát triển của ngành và địa phương.

c. Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực thúc đẩy hoạt động KHCN; tuyên truyền, phổ biến các quy chế, quy định.

d. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ quản lý khoa học và công nghệ.

e. Đầu tư có chọn lọc các đề tài, dự án KHCN được ứng dụng trong đào tạo và thực tiễn sản xuất.

f. Cập nhật kết quả KHCN vào chương trình đào tạo.

g. Gắn kết các đề tài luận văn tốt nghiệp với đề tài NCKH của giảng viên.

k. Tăng cường hoạt động NCKH của người học.

Nhóm giải pháp 2: Đầu tư cơ sở vật chất; mở rộng quy mô, lĩnh vực nghiên cứu; ưu tiên các hướng nghiên cứu chiến lược, mũi nhọn và liên ngành.

a. Rà soát, quy hoạch và đầu tư trang thiết bị các phòng thí nghiệm, các cơ sở thực nghiệm - nghiên cứu đảm bảo điều kiện nghiên cứu hiện đại cần thiết. Tăng cường nguồn tài chính phục vụ NCKH.

b. Tăng cường hợp tác về KHCN với các đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận; phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 đề tài ứng dụng trong thực tế sản xuất và đến năm 2020 có đề tài NCKH theo Nghị định thư.

c. Thành lập và đẩy mạnh hoạt động Trung tâm ươm tạo khoa học công nghệ trực thuộc Trường; xây dựng mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm thu hút sự tham gia của các nhà khoa học cũng như kinh phí từ các đối tác trong và ngoài Trường.

d. Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin dữ liệu mạnh phục vụ cho việc nghiên cứu; mua tài khoản truy cập và tải trực tuyến các công trình khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín.

e. Xây dựng và triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên ngành.

Nhóm giải pháp 3: Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá kết quả NCKH.

a. Xây dựng tạp chí khoa học chuyên ngành nhằm công bố kết quả nghiên cứu của cán bộ giảng viên và sinh viên; từng bước phát triển nâng uy tín tạp chí đạt chuẩn khu vực và quốc tế

b. Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về KHCN và công bố rộng rãi trên website Nhà trường.

c. Thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành cấp quốc gia; đến năm 2025 tổ chức hội thảo chuyên ngành quy mô quốc tế.

d. Đẩy mạnh việc thương mại hóa sản phẩm khoa học và gắn  với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

B.       HỢP TÁC QUỐC TẾ

1.   Đánh giá thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế giai đoạn 2010-2014

Hợp tác quốc tế trong giai đoạn 2013 – 2014, đặc biệt là từ năm 2013 đã có nhiều khởi sắc. Nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ với các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức như Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Bungaria, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Thái Lan. Nội dung các chương trình hợp tác được thể hiện bằng Biên bản ghi nhớ và tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của Nhà trường như hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; trao đổi giáo viên và sinh viên; trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; bồi dưỡng và đánh giá kỹ năng nghề; đồng tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, dự án nghiên cứu, hội nghị chuyên đề; phương pháp xây dựng đề thi, đánh giá kết quả học tập.

Trên cơ sở đó, một số chương trình hợp tác đã được triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực và góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường trong nước và quốc tế với một số kết quả cụ thể:

- Các đối tác tại Lào đã hỗ trợ công tác tuyển sinh học sinh, sinh viên Lào sang học tập đại học và dự bị tiếng Việt tại Trường trong năm 2014 với tổng số 32 em.

- 05 sinh viên của Trường đang thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hàn Quốc (KoreaTech) trong thời gian 01 năm.

- Tổ chức 02 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho giáo viên của các Trường cao đẳng nghề, Trung tâm đào tạo nghề trực thuộc Bộ Lao động – Phúc lợi xã hội Lào theo chương trình thỏa thuận giữa 2 Bộ với tổng số 24 người trong thời gian 3 tháng.

- Nhà trường cử 2 chuyên gia sang tập huấn công tác ra đề thi, đánh giá học phần cho cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng – Kỹ thuật dạy nghề Khăm Muộn.

- Nhà trường cử 2 cán bộ sang học tiếng Lào từ tháng 9 năm 2014 tại Trường Đại học quốc gia Lào theo thỏa thuận hợp tác giữa Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam và Bộ Lao động – Phúc lợi xã hội Lào.

- Hợp tác với tổ chức City and Guilds, Trường Westmister Kingways College của Vương quốc Anh trong việc phối hợp đào tạo đánh giá viên trình độ quốc tế và thành lập trung tâm đánh giá kỹ năng nghề trình độ quốc tế.

Nhận xét: Nhìn chung, công tác hợp tác quốc tế bước đầu đã thu được một số kết quả khả quan, một số chương trình hợp tác đã được triển khai một cách hiệu quả như việc hỗ trợ công tác tuyển sinh, chương trình trao đổi sinh viên, chương trình bồi dưỡng cán bộ và đã triển khai được dự án hợp tác với nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung hợp tác đã ký kết nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chưa đồng bộ, số lượng các đối tác vẫn còn ít; công tác hợp tác quốc chưa tạo ra sự tác động tích cực đến việc quản lý đào tạo và triển khai các hoạt động đào tạo như thay đổi chương trình đào tạo, phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá; chưa thực hiện được các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học như đề án hợp tác khoa học, phát triển công nghệ, tổ chức hội nghị, khoa học chung, công bố các công trình khoa học chung.

Nguyên nhân của những hạn chế này có thể kể đến như:

- Trình độ tiếng Anh của nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên còn rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn khả năng triển khai nội dung hợp tác đã ký kết với các trường đối tác, nhiều chương trình, đề án không thực hiện được.

- Một bộ phận cán bộ giảng viên chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong xu thế hội nhập.

- Công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong trường chưa hiệu quả và chưa phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia dẫn đến việc phối hợp triển khai một số công tác hợp tác quốc tế còn chậm và chưa hiệu quả.

- Nguồn kinh phí dành cho công tác hợp tác quốc tế còn hạn chế, thủ tục hành chính còn phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc trao đổi đoàn, tìm hiểu đối tác để triển khai các chương trình hợp tác phù hợp.

  1. 2.   Chiến lược phát triển công tác hợp tác quốc tế

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển công tác quan hệ quốc tế và mạng lưới quan hệ quốc tế là góp phần vào quá trình xây dựng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thành trường đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm quốc gia; là  trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng những nhu cầu mới và không ngừng thay đổi của xã hội; một trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực đạt chất lượng và trình độ tiên tiến, có uy tín trong khu vực và thế giới. Các kế hoạch phát triển các đối tác, mạng lưới và quan hệ đối tác trong nước và quốc tế được phổ biến đến các phòng ban, đơn vị liên quan trong toàn trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, thực hiện Quy trình Đoàn vào và Đoàn ra theo Tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2008.

- Tiếp tục rà soát và đưa vào ban hành Quy định công tác HTQT phù hợp với thực tiễn và nhu cầu điều chỉnh của hoạt động này.

- Đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác bao gồm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng trong đào tạo và đánh giá nghề, trong nghiệp vụ sư phạm nghề, năng lực ngoại ngữ, quản lý trường đại học, đảm bảo chất lượng, trao đổi giảng viên và sinh viên, liên kết đào tạo;

- Mở rộng đối tác, tăng cường mối quan hệ bền vững và mạng lưới đối tác quốc tế, ký kết các văn bản hợp tác như MOU, hợp đồng, thỏa thuận hợp tác với từ 20-30 đối tác đến từ nhiều nước, khu vực trên thế giới.

- Xây dựng các dự án quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là về tài chính từ các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ để phục vụ cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên cũng như cho việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ.

-  Phát triển các chương trình hợp tác liên kết đào tạo với các trường, tổ chức đào tạo quốc tế có uy tín nhằm phục vụ cho sự phát triển của đào tạo đại học và sau đại học theo chuẩn quốc tế. Triển khai ít nhất là một chương trình liên kết đào tạo chương trình đại học theo hình thức 2+2 hoặc 3+1 với đối tác nước ngoài.

-  Hợp tác với các tổ chức và các trường nước ngoài trong việc tìm kiếm học bổng cho các giáo viên và sinh viên của trường trong việc tham gia các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên, phấn đấu gửi từ 5-10 giáo viên và từ 30-50 sinh viên tham gia các chương trình trao đổi.

- Phối hợp và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học thông qua việc mở rộng HTQT về nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đồng thời tìm kiếm nguồn lực tài chính cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

2.3. Giải pháp thực hiện

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác quốc tế; nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên về tầm quan trọng của HTQT trong thời kỳ hội nhập.

- Nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ, giảng viên.

- Thành lập nhóm nghiên cứu để tập trung thực hiện một số nội dung hợp tác mang tính đột phá trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

- Duy trì, phát triển những quan hệ HTQT đã có; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và các tổ chức quốc tế, nhất là với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín ở khu vực và quốc tế, tranh thủ cơ hội để tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến, phát triển các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, tổ chức hội thảo khoa học trong các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm. Ưu tiên đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong khối ASEAN, với các đối tác châu Âu, các trường đại học ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Newzeland, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc...; phát triển sâu hơn hợp tác truyền thống với Lào phù hợp với tình hình mới.

- Đẩy mạnh chương trình trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên.

- Tăng cường liên kết đào tạo Đại học và Sau đại học; tìm kiếm các nguồn học bổng, tài trợ để đưa cán bộ đi đào tạo, bổ túc và nâng cao trình độ ở nước ngoài.

- Đổi mới cơ chế HTQT theo hướng chủ động, tự chủ, bình đẳng, có chính sách khuyến khích các đơn vị và cá nhân nhà khoa học tích cực tham gia.

- Tiếp tục thực hiện các dự án đã ký kết, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực và những dự án mới.

- Tăng nguồn kinh phí phân bổ cho các hoạt động hợp tác quốc tế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi đoàn nhằm tìm hiểu đối tác phù hợp./.